Những loại thuế nào Doanh nghiệp cần phải nộp sau khi thành lập?

Thành lập doanh nghiệp là bạn sẽ phải đóng thuế, loại thuế và mức đóng thuế phụ thuộc vào loại hình kinh doanh và những phát sinh thực tế trong doanh nghiệp.

Và nếu Doanh nghiệp của bạn đang ở Việt Nam thì Doanh nghiệp của bạn có thể bị chịu các loại thuế sau:

  1. Thuế môn bài:

Sau khi thành lập, doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài cho nhà nước. Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được hướng dẫn tại Thông tư 302/2016/TT-BTC), tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải nộp tiền lệ phí môn bài với mức tiền như sau:

Bậc thuế môn bài Vốn Điều lệ hoặc vốn đầu tư Mức lệ phí môn bài/năm
1 Trên 10 tỷ 3.000.000
2 Dưới 10 tỷ 2.000.000
3 Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh,.. 1.000.000

 

Doanh nghiệp thành lập 6 tháng đầu năm thì phải nộp 100% mức thuế môn bài, doanh nghiệp thành lập 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế môn bài nói trên.

  1. Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN):

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC), số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế trừ đi phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) nhân với thuế suất.

Thuế TNDN năm 2018 phải nộp được xác định theo công thức sau:

Thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế x Thuế suất Thuế TNDN

Các doanh nghiệp có lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ được miễn tính thuế đối với phần trích ra để lập quỹ. Vì vậy công thức tính Thuế TNDN áp dụng cho doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ là:

Thuế TNDN phải nộp = (Doanh thu tính thuế – Quỹ khoa phát triển KH&CN) x Thuế suất Thuế TNDN

Các thành phần trong công thứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp:

Doanh thu tính thuế = Doanh thu chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ kết chuyển)

Thu nhập chịu thuế là tổng tất cả các nguồn thu nhập của doanh nghiệp từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ,…

Doanh thu chịu thuế = Tổng doanh thu – Chi phí được trừ

+ Tổng doanh thu bao gồm toàn bộ thu nhập từ việc giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong đó đã được trợ giá, phụ thu mà doanh nghiệp đã được nhận hoặc chưa được nhận và các nguồn doanh thu khác.

Trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì doanh thu không bao gồm thuế GTGT, nếu kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì doanh thu đã bao gồm thuế GTGT.

+ Chi phí được trừ là tất cá các khoản phát sinh trong đó có chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các khoản thu nhập miễn Thuế TNDN được quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung theo nghị quyết số 51/2001/QH10.

Các khoản lỗ kết chuyển: là những khoản do doanh nghiệp lựa chọn để bù vào số lỗ của hoạt động kinh doanh trong trường hợp xảy ra lỗ. Phần thu nhập còn lại sau khi đã bù trừ vẫn phải áp dụng mức thuế suất Thuế TNDN.

  1. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Tùy thuộc vào đối tượng khác nhau khi tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ áp dụng phương pháp tính khác nhau. Theo quy định hiện nay tính thuế GTGT theo 02 phương pháp: Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.

* Phương pháp khấu trừ thuế

Theo Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng với các đối tượng sau:

– Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

– Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng;

– Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế…

* Công thức tính thuế:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào khấu trừ

Trong đó:

– Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

– Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

* Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Đối tượng áp dụng:

– Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm < 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế

– Hộ, cá nhân kinh doanh;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Công thức tính thuế:

Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu

Trong đó:

– Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Doanh thu:

– Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

  1. Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN)

Có 3 cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công dành cho 3 đối tượng khác nhau, cụ thể:

– Tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần: Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ 3 tháng trở lên;

– Khấu trừ 10%: Dành cho cá nhân ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ;

– Khấu trừ 20%: Đối với cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài.

* Các bước tính thuế TNCN

(1) Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế

(2) Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

(3) Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế    X     Thuế suất

Bước 1: Tính tổng thu nhập: Cộng tất cả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, phụ cấp

Bước 2: Xác định các khoản được miễn thuế TNCN

Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế theo Công thức (1)

Bước 4: Xác định các khoản giảm trừ

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo Công thức (2)

Bước 6: Tính thuế TNCN phải nộp theo Công thức (3)

Mọi thông tin liên quan đến nội dung những loại thuế mà Doanh nghiệp cần nộp sau khi thành lập, Quý khách vui lòng liên hệ Công ty Cổ phần The Spaces để được tư vấn chi tiết.

 

CÔNG TY CỔ PHẦN THE SPACES

Văn phòng tại Hà Nội: Phòng A8, tầng 29, Tòa Đông, Lotte center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội, Việt Nam

Văn phòng tại Hồ Chí Minh: Tầng 72, Vincom Landmark 81, số 208 đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: 086.6013636

Email: contact@thespaces.vn