Các khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2018

Các bạn kế toán viên hẳn đều biết đến ngày 01/01/2018 thì thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên cả 3 phần là: lương chính, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Trong đó, các khoản bổ sung khác là những khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể kèm theo lương thoả thuận và được trả thường xuyên mỗi tháng.

Với điều này thì gần như là toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động đều phải đóng BHXH.

Tuy nhiên, vẫn còn 14 khoản thu nhập không phải tính đóng bảo hiểm xã hội được liệt kê bên dưới.

Bạn có thể sử dụng các nội dung này để điều chỉnh lương sao cho tối ưu, đảm bảo quyền lợi của người lao động và chủ doanh nghiệp về thuế TNDN và thuế TNCN cũng như các phúc lợi khác.
Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công không tính đóng BHXH năm 2018
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như:

– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động.

Tiền thưởng là khoản tiền mà người lao động được thưởng căn cứ vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

– Tiền thưởng sáng kiến.

– Tiền ăn giữa ca.

Ghi chú thêm đối với tiền ăn giữa ca:

+ Với thuế TNDN: Tiền ăn giữa ca trước đây bị khống chế ở mức 620.000 đồng/tháng để được trừ khi tính đóng thuế TNDN nhưng hiện nay đã bị bãi bỏ.

+ Với thuế TNCN:

Nếu doanh nghiệp tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì không tính thuế TNCN.

Nếu doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn mà chi tiền cho người lao động không vượt quá 730.000 đồng/tháng thì không tính thuế TNCN. Nếu vượt thì phần vượt chịu thuế TNCN.

(Khoản 4 Điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH)

– Các khoản hỗ trợ xăng xe.

– Các khoản hỗ trợ điện thoại.

Mức hỗ trợ điện thoại có thể khoán chi hoặc theo thực tế. Nếu khoán chi thì số tiền vượt quá khoản khoán sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Các khoản hỗ trợ đi lại.

– Các khoản hỗ trợ tiền nhà ở.

– Các khoản hỗ trợ tiền giữ trẻ.

– Các khoản hỗ trợ nuôi con nhỏ.

– Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết.

– Hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn.

– Hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động.

– Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác này do người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận với nhau.
Cần lưu ý
– Các khoản chi cho người lao động bên trên vẫn không phải tính đóng BHXH trong năm nay (2017) và cả năm 2018.

– Các khoản chi có tính chất phúc lợi như trên cần phải ghi cụ thể về mức hưởng và điều kiện được hưởng tại một trong các văn bản sau:

+ Hợp đồng lao động;

+ Thoả ước lao động tập thể;

+ Quy chế tài chính;

+ Quy chế thưởng do giám đốc quy định theo quy chế tài chính.

– Các khoản chi này không được vượt quá một tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Cách xác định như sau:

Tổng quỹ lương trong năm ÷ 12 tháng

Nếu doanh nghiệp hoạt động chưa đủ một năm thì tính như sau:

Tổng quỹ lương thực tế hoạt động năm ÷ Số tháng hoạt động

(Khoản 2.30 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)

Tóm lại, Bên trên là 14 khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động không phải tính đóng BHXH. Bạn đọc có thể tham khảo để sử dụng cho quy chế tài chính, lương thưởng cho người lao động tại doanh nghiệp của mình.