Đang là thời điểm vàng để sở hữu bất động sản cao cấp

Dù trong bối cảnh cuộc rà soát và thắt chặt cấp phép các dự án mới cũng như chính sách siết tín dụng đang diễn ra khiến nguồn cung ra thị trường sụt giảm mạnh, giới chuyên gia vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng tiếp tục dẫn đầu thị trường của phân khúc bất động sản cao cấp trong giai đoạn cuối năm 2019.
Phân khúc cao cấp: tỷ lệ hấp thụ lớn, giá bán tăng

Kết thúc Quý II/2019, thông tin công bố từ các báo cáo của những tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, nguồn cung căn hộ tung ra thị trường đang sụt giảm mạnh.

Báo cáo mới đây nhất của JLL cho hay, sau thời kỳ tăng trưởng mạnh, nguồn cung đến từ các dự án mở bán mới có xu hướng chậm lại. Trong Quý II/2019, thị trường Hà Nội chỉ ghi nhận 5.900 căn chào hàng, gần bằng một nửa nguồn cung quý trước. Nguồn hàng trên thị trường chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đang hiện hữu. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014.

Trong khi đó, phân khúc cao cấp có sự sụt giảm mạnh về nguồn cung. JLL nhận định rằng, việc sụt giảm này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu vắng nguồn cung bất động sản cao cấp trong một vài năm tiếp theo. Tuy nhiên, JLL nhấn mạnh, nhu cầu mua để ở trên thị trường vẫn sẽ duy trì với tỷ lệ hấp thụ tốt.

Đáng chú ý, theo báo cáo Quý II của CBRE, phân khúc cao cấp đạt các chỉ số rất ấn tượng: số căn đã bán tăng 37% theo Quý, giá bán trung bình cũng tăng 4% theo Quý và 10% theo năm.

Cũng theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội đang đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường. Điểm sáng trên thị trường đó là dù nguồn cung căn hộ cao cấp trên thị trường thấp nhưng tỷ lệ hấp thụ của dòng sản phẩm này vẫn ở mức cao, đạt 64,8%.

Các báo cáo đều chỉ ra rằng, nguyên nhân của bức tranh sụt giảm nguồn cung trên thị trường xuất phát từ chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát lại quỹ đất và thắt chặt cấp phép dự án mới tại các thành phố lớn. Chưa kể, chính sách siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước cũng được cho là rào cản lớn đối với phân khúc bất động sản cao cấp.

Nhà đầu tư đặt niềm tin vào những dự án có nhiều lợi thế

Bất chấp bối cảnh thị trường đang có sự biến động, giới quan sát vẫn lạc quan đưa ra quan điểm “trong nguy luôn có cơ”. Theo đó, việc rà soát lại các dự án, siết chặt khung pháp lý và nguồn tín dụng là cơ hội để thị trường “thay máu”, vận hành chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Điều này đồng nghĩa, thị trường sẽ giữ lại những dự án chất lượng và chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực quản lý.

Như nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những đơn vị có năng lực tốt sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc rà soát và siết tín dụng. Vị lãnh đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Đặc biệt là đối với doanh nghiệp phát triển dòng bất động sản cao cấp, phần lớn họ đều sử dụng nguồn lực sẵn có, tiềm lực tài chính mạnh nên sẽ không bị tác động bởi việc siết tín dụng. Chính sách tín dụng chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhỏ, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vay ngân hàng”.