TS. Trần Du Lịch: “Đây là thời cơ để miền Trung trở nên thịnh vượng”

Theo TS. Trần Du Lịch, bây giờ hoặc không bao giờ để miền Trung thoát nghèo. Đây là thời cơ để miền Trung trở nên thịnh vượng chứ không còn là “chiếc đòn gánh yếu”.

Kiến nghị tại Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung tổ chức tại FLC Quy Nhơn sáng nay (20/8), TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, miền Trung có rất nhiều tiềm năng phát triển, nếu những chương trình hành động cụ thể thì việc tăng trưởng 9-10%/ năm cho đến 15%/năm là hoàn toàn khả thi.
Theo đó, TS. Trần Du Lịch đưa ra 4 chương trình phát triển kinh tế vùng. Về chương trình nông nghiệp, cần giải quyết các vấn đề cơ bản về khai thác, đánh bắt, chế biến, xây dựng chuỗi giá trị. “Nông nghiệp là phải trồng rừng lấy gỗ để chế biến, đồng thời phải phát triển được công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Lịch nói.
Ngoài ra, cần có chương trình phát triển cảng biển gắn với logistics, phải khai thác lợi thế cảng biển để phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cần khắc phục sự yếu kém của các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư công nghiệp. Lợi thế các khu công nghiệp chính là dư địa để miền Trung phát triển nhanh công nghiệp chế biến và chế tạo và cũng là điều kiện để khai thác ưu thế về cảng biển.
TS. Trần Du Lịch kiến nghị, ngoài chương trình hóa các mục tiêu phát triển trên quy mô vùng còn phải xây dựng môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội. Muốn làm được điều này thì cần thông thoáng tất cả những quy định, thể chế hiện nay.
“Chúng ta muốn đi nhanh, muốn bứt nhanh thì phải chạy. Chúng ta chậm giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư một ngày thì thì miền Trung tiếp tục nghèo thêm một năm. Hay nói cách khác, nếu nhanh được một ngày thì vùng này sẽ thoát nghèo nhanh một năm”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Lịch cũng kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối vùng gắn với phát triển Tây Nguyên. Cần sớm quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và phải giải quyết theo sự thống nhất chung của vùng như: Giao thông trọng điểm của vùng; mở rộng sân bay, cảng biển; điều chỉnh chức năng các khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch…
Trong 10-15 năm tới cần huy động mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm, đến năm 2035 mức GRDP/người đạt khoảng ba lần hiện nay.
“Bây giờ hay không bao giờ để miền Trung thoát nghèo. Đây là thời cơ để miền Trung trở nên thịnh vượng chứ không còn là chiếc đòn gánh yếu”, ông Lịch nói.